Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử huyện Chợ Mới - tỉnh Bắc Kạn

Di tích Nà Lằng

( Cập nhật lúc: 10/12/2012  )

Nà Lằng một thôn vùng sâu, vùng xa của xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, đây từng là căn cứ cách mạng phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo vũ khí của Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới (nay là Viện Thiết kế Vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng) đơn vị có nhiệm vụ quan trọng cung cấp một phần phương tiện vũ khí cho tiền tuyến lúc bấy giờ.

 

Bia kỷ niệm Viện thiết kế vũ khí (Bộ Quốc phòng) tại thôn Nà Lằng, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới

Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới thành lập từ ngày 4 tháng 2 năm 1947 tại thủ đô Hà Nội do cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là giám đốc. Ngay từ khi mới thành lập, Nha đã nghiên cứu thành công vũ khí Ba - Zô - Ca một loại hỏa tiễn vác vai bắn đạn lõm có sức công phá lớn đủ để xuyên thủng vỏ thép dày của xe tăng. Sự ra đời của vũ khí Ba - Zô - Ca đã kịp thời trang bị cho bộ đội chiến đấu, chặn đứng sự hung hãn của những đoàn xe tăng tiếp giáp phía địch, góp phần làm nên những chiến thắng ban đầu của thời kháng chiến chống Pháp. Tiếp đó từ năm 1948 đến 1949, Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới còn nghiên cứu thành công pháo sáng, hệ thống kích nổ mìn, địa lôi, các loại súng cối, các chủng loại đại bác không giật SKZ 60, 81mm… Đặc biệt sự ra đời của đại bác không giật SKZ 60 có tiếng vang lớn làm cho kẻ thù khiếp sợ, lần đầu tiên ra trận SKZ đã lập công, tiêu diệt nhanh chóng các lô cốt bằng bê tông dày 60cm, điển hình như thắng lợi trận đánh san bằng cứ điểm của địch tại Phố Ràng, Phố Lu (Lào Cai)…

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới đã có thời gian đóng quân trên mảnh đất Nà Lằng, một địa phận của xã Quảng Chu. Tại đây, đơn vị đã nhận được sự giúp đỡ về mọi mặt của nhân dân địa phương, tạo thuận lợi để tập thể cán bộ tiếp tục nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí phục vụ chiến trường, giành thế trận.

Khi tiếng súng Kháng chiến Toàn quốc bắt đầu, Pháp chủ trương bình định Việt Nam, thời kỳ đó Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới cũng là một trong những mục tiêu của địch, để tránh sự càn quét từ phía địch đơn vị buộc phải di chuyển tới rất nhiều nơi song những vùng đất mà cơ quan kỹ thuật quân sự đặt chân đến hầu hết là ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh như Phia Khao, Bản Thi (Chợ Đồn) hay Đồng Chiêm ở Tuyên Quang rồi đến Nà Lằng ở xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn. Tuy nhiên, thời gian mà Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới gắn bó lâu nhất vẫn chính là ở bản Nà Lằng (từ cuối năm 1949 đến 1953). Với địa hình, địa thế sông nước, núi non ở đây thuận lợi, tập thể đơn vị có thể an toàn tiến hành công việc chế tạo và sản xuất vũ khí. Trước khi đặt chân tới địa phận này, tập thể đã phải trải qua hàng trăm cây số trên những đoạn đường hết sức gian nan.

Tại Nà Lằng, Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới nhận được nhiệm vụ mới là luyện gang từ quặng sắt, luyện thép từ sắt vụn, phế thải. Trong vòng một năm chiến đấu với bom đạn của giặc Pháp, Nha nghiên cứu kỹ thuật đã chế thử thành công nhiều loại vũ khí như SKZ 60, ngòi nổ chậm, nghiên cứu phá bom nổ chậm, sản xuất  hàng vạn cuốc chim, búa tạ, đầm đất cung cấp cho chiến trường Tây Bắc mở đường cho chiến dịch Điện Biên.

Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới gắn bó ở bản Nà Lằng gần 4 năm, hơn 200 cán bộ, chiến sỹ phần đông là thanh niên tri thức, thợ trẻ có lòng yêu nước thiết tha gắn bó với nhau dưới một mái nhà, cùng hành trình hàng trăm cây số, vận chuyển hàng tấn thiết bị để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo vũ khí ở một vùng đất xa xôi, hẻo lánh. Sống dưới hoàn cảnh bom đạn ác liệt, ăn uống sinh hoạt kham khổ nhưng tập thể luôn cùng nhau vượt khó, hợp sức, cống hiến trí tuệ để tạo ra những sản phẩm kỹ thuật quân sự đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến.

Trong thời gian này, máy bay bắt phá liên tục ở Đèo Gà, Sáu hai ( thuộc xã Nông Hạ ngày nay), Viện đã tổ chức một khẩu đội bắn máy bay đặt ngay tại Nà Lằng cách khu làm việc 600m để bảo vệ cơ quan. Năm 1952, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải giải tỏa đường giao thông trên những tuyến đường quan trọng để đưa viện trợ về, địch tăng cường phá cầu đường bằng các loại bom. Thời điểm đó đơn vị vũ khí nhận được nhiệm vụ là đi nghiên cứu phá bom nổ chậm tại khu vực Đèo Gà, trong khi đang làm nhiệm vụ đã có 6 người hi sinh do bom nổ, ngay hôm sau binh trạm cùng địa phương đã làm lễ an táng cho 6 đồng chí ngày cạnh sườn núi đường xuôi Chợ Mới. Lúc này sự căm phẫn giặc càng dâng trào hơn bao giờ hết, tất cả anh em đơn vị càng quyết tâm hơn giúp quân ta sớm giành thế trận.

          Có thể nói, thời gian đóng quân ở Nà Lằng, tập thể cán bộ, chiến sỹ luôn được nhân dân địa phương bao bọc, che trở, cung cấp cả lương thực khi thiếu thốn bởi vậy những tình cảm của bà con nhân dân xã đã giúp cho tập thể hoạt động an toàn, hoàn thành tốt công việc.

Đến nay khi hòa bình lập lại, đất nước trên đà phát triển, để hướng đến những tình cảm tốt đẹp của chính quyền và nhân dân địa phương xã Quảng Chu, nơi Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới (Viện Thiết kế Vũ khí- Bộ Quốc phòng) đóng quân trong sự đùm bọc của bà con, cơ quan Bộ Quốc phòng đã xây dựng bia kỷ niệm tại thôn Nà Lằng. Đồng thời Bộ vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với địa phương. Hằng năm Bộ Quốc phòng tổ chức cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ lên thăm căn cứ cách mạng của Viện trong kháng chiến chống Pháp, thường xuyên tổ chức cho các em học sinh giỏi của xã về Thủ đô thăm lăng Bác, tặng quà cho các gia đình chính sách, cho các em học sinh nghèo vượt khó, xây dựng nhà tình nghĩa tại địa phương…

Quảng Chu tự hào vì là nơi đặt cơ quan quân sự quan trọng của đất nước, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Bộ Quốc phòng đã đề nghị với xã dành một phần quỹ đất lớn tại thôn Nà Lằng để xây dựng khu di tích nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau. Hiện tại xã đã quy hoạch khoảng 1ha cho khu di tích, để mai này khi về với xã Quang Chu, mọi người sẽ biết thêm về lịch sử căn cứ quân sự quan trọng, nơi đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho cách mạng ViệtNam./.

Tác giả: 
Nguồn: 
Sign In