Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử huyện Chợ Mới - tỉnh Bắc Kạn

Cơ sở sản xuất bánh kẹo của thanh niên Lường Ngọc Yên

( Cập nhật lúc: 18/04/2019  )
Mạnh dạn trong cách nghĩ, táo bạo ở cách làm, anh Lường Ngọc Yên trú tại thôn Nà Ba, xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới là một tấm gương thanh niên điển hình khởi nghiệp, lập thân tại quê nhà. Từ mô hình sản xuất bánh kẹo của anh đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên trong gia đình.

          Sinh năm 1986 và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng nhưng còn nghèo khó huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Năm 2006 sau khi học hết cấp 3 anh Lường Ngọc Yên đã vào thành phố Hồ Chí Minh xin làm công nhân cho một Công ty sản xuất bánh kẹo. Sau đó, anh chuyển ra Hà Nội làm công nhân tại Công ty bánh kẹo Kinh Đô. Trong quá trình làm việc, anh Yên đã phải lòng với một người con gái ở Huyện Ngân Sơn ( Bắc Kạn) cùng làm công nhân tại đó. Đến năm 2012, hai người tổ chức đám cưới nên duyên vợ chồng. Từ khi còn làm công nhân tại các công ty bánh kẹo nổi tiếng hai vợ chồng anh Yên đã nung nấu trong lòng sau này nhất định phải mở được cơ sở sản xuất bánh kẹo. Với ý nghĩ đó, khi tích góp được một chút vốn, đầu năm 2017 anh Yên cùng gia đình chuyển về sinh sống, định cư tại thôn Nà Ba, xã Thanh Bình ( Chợ Mới). Từ đây, anh bắt tay vào xây dựng nhà xưởng và đầu tư thêm 200 triệu đồng mua hệ thống máy sản xuất từ trong thành phố Hồ Chí Minh ra. Sẵn có kiến thức học được từ khi còn làm công nhân anh Yên đã xây dựng cơ sở sản xuất bánh kẹo của riêng mình với tên gọi “ Cơ sở sản xuất bánh kẹo Thanh Yên”.

 

Anh Lường Ngọc Yên đang vận hành máy sản xuất bánh tại nhà xưởng

 

          Anh Yên chia sẻ: người ta thường nói “vạn sự khởi đầu nan”, sau khi hệ thống máy móc được lắp đặt xong nhưng do quá trình vận chuyển xa nên đã sảy ra trục trặc, sản xuất không đều đặn. Bên cạnh đó, khâu nhào trộn, chế biến nguyên liệu cũng chưa hợp lý nên nhiều mẻ bánh phải đổ bỏ. Không nản chí, anh Yên mời kỹ thuật từ Hà Nội lên để sửa chữa, lắp đặt lại, bản thân cũng đúc kết được kinh nghiệm từ các bẻ bánh hỏng, cuối cùng anh đã thành công với 02 sản phẩm là “ Bánh gạo nương” và “ Bánh đậu xanh”. Sở dĩ được gọi như vậy theo anh Yên giải thích bởi vì nguyên liệu chủ yếu lấy từ gạo nếp nương, đỗ xanh… ở các địa bàn vùng cao Bắc Kạn. Điều quan trọng nhất là sản phẩm phải an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Do vậy, những nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Những nguyên liệu chính được lấy ở địa phương có thương hiệu như: “Khẩu nua lếch” của Ngân Sơn. Còn các phụ gia như: đường, dầu thực vật, đường kính, dầu chuối, bột mì…cũng được nhập từ các Công ty lớn trong nước do đó rất yên tâm sử dụng, các sản phẩm bánh tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản. Qua quá trình thực hành, đúc kết kinh nghiệm anh Yên đã chế biến được loại bánh phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng.

 

Sau quá trình rút kinh nghiệm từ các lần thất bại, anh Yên đã thành công

với hai sản phẩm “ Bánh gạo nương” và “ Bánh đậu xanh”

 

         Hiện tại cơ sở sản xuất của anh Yên đang sản xuất 02 loại bánh này. Trung bình cơ sở sản suất được 10.000 chiếc bánh/ngày, mỗi mẻ bánh ra lò được 700 chiếc, khi đóng hộp đạt 1000 hộp/ngày. Đối với sản phẩm “ Bánh gạo nương” có giá bán lẻ 20.000đ/hộp và “ Bánh đậu xanh” 25.000đ/hộp. Hiện nay, sản phẩm bánh của anh Yên chủ yếu được tiêu thụ tại thành Phố Bắc Kạn và thành phố Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận thông qua các đại lý. Các sản phẩm đã được các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, chứng nhân đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; có mã số mã vạch sản phẩm để truy xuất nguồn gốc; quyền sở hữu trí tuệ; giấy phép đăng ký kinh doanh…đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để đưa ra thị trường. Thời điểm này, Cơ sở sản xuất bánh kẹo của anh Yên thu nhập bình quân ổn định 4,0 triệu đồng/người/tháng cho hai lao động chính. Khi có nhiều đơn đặt hàng anh Yên còn tạo công ăn việc làm cho 3 đến 5 lao động thời vụ địa phương.

 

Người lao động đang làm việc tại cơ sở sản xuất bánh kẹo của anh Yên

 

          Chị Trần Thị Thu Nga – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Thanh Bình nhận định: Không những làm kinh tế giỏi mà đoàn viên Lường Ngọc Yên còn tích cực tham gia các phương trào của Đoàn, Hội phát động. Bản thân đồng chí là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư máy móc để xây dựng cơ sở sản xuất bánh kẹo cho gia đình, tự tạo công ăn việc làm cho mình và đã có thu nhập khá ổn định. Thông qua mô hình làm kinh tế của đồng chí Yên, Đoàn xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân rộng thêm nhiều mô hình kinh tế của đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã. Cùng thanh niên định hướng mô hình phát triển kinh tế ngay tại địa phương; Giúp đồng chí Yên đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm “ Bánh gạo nương” ra thị trường. Đồng thời, Đoàn xã sẽ tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã cũng như Đoàn cấp trên để đoàn viên trong xã được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Trung ương Đoàn và Ngân hàng chính sách xã hội.

 

          Ông Đinh Văn Phúc – Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết: Anh Lường Ngọc Yên chuyển đến địa phương sinh sống từ năm 2017. Bản thân anh Yên và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp Luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước của địa phương đề ra. Về phía Cấp ủy, Chính quyền xã sẽ hết sức tạo điều kiện để anh Yên mở rộng phát triển sản xuất và được hưởng các chính sách của Nhà nước nếu có. Hiện tại, UBND xã chủ  trương lấy “ Bánh gạo nương” để xây dựng thành sản phẩm OCCOP ( Đề án mỗi xã phường một sản phẩm) của địa phương. Qua mô hình làm kinh tế của thanh niên Lường Ngọc Yên đang trở thanh hiệu ứng tích cực để thanh niên trong xã  đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng tại quê nhà.

 

          Trong thời gian tới, anh Lường Ngọc Yên sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh tìm thị trường cho sản phẩm, đổi mới mẫu mã để đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng mang đặc trưng của vùng cao Bắc Kạn. Nếu kinh doanh thuận lợi anh sẽ mời các bạn đoàn viên cùng tham gia sản xuất, tạo việc làm cho thanh niên địa phương./.

 

 

Tác giả:  Trường Giang
Nguồn:  Trung tâm VHTT&TT huyện
Sign In