Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử huyện Chợ Mới - tỉnh Bắc Kạn

Vai trò người uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở huyện Chợ Mới

( Cập nhật lúc: 25/06/2019  )
Chợ Mới là huyện nằm ở cửa ngõ phía Nam tỉnh Bắc Kạn, có 7 dân tộc anh em cùng chung sống; phía Đông giáp với huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và huyện Na Rì; Phía Nam giáp với huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; phía Tây giáp với huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; phía Bắc giáp với huyện Chợ Đồn, Bạch Thông và TP Bắc Kạn. Toàn huyện có 15 xã và 01 thị trấn, với 166 thôn, tổ dân phố. Tổng diện tích tự nhiên gần 61 nghìn ha; dân số gần 41 nghìn người với hơn 10 nghìn hộ dân, trong đó hộ dân tộc thiểu số là hơn 8 nghìn hộ, chiếm hơn 80% dân số toàn huyện.

          Trong những năm qua, với nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số đã đem lại hiệu quả thiết thực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và nâng cấp; chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố và giữ vững. Kết quả thực hiện các Chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi ngày càng khởi sắc, cụ thể, có 99 công trình được đầu tư mới với tổng giá trị thực hiện gần 40 tỷ đồng; gần 3 tỷ đồng thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trạm y tế, giáo dục, chợ và nhà sinh hoạt cộng đồng. Hỗ trợ giống cây ăn quả, giống vật nuôi, hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón với hơn 2 nghìn lượt hộ hưởng lợi, tổng giá trị thực hiện hơn 14 tỷ đồng; thực hiện 01 mô hình chăn nuôi, 03 mô hình trồng trọt với 160 hộ tham gia, tổng giá trị thực hiện là hơn 1 tỷ đồng đồng. Nếu năm 2014  sản lượng lương thực có hạt là hơn 21 nghìn tấn/năm, đến năm 2018 đã tăng lên gần 23 nghìn tấn. Bình quân lương thực đầu người năm 2018 đạt 556 kg/người/năm. Công tác Quân sự - Quốc phòng thường xuyên được củng cố. Công tác gọi công dân nhập ngũ hàng năm đảm bảo 100% chỉ tiêu giao. Bên cạnh đó quan tâm công tác nắm tình hình địa bàn, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, xây dựng tổ chức quần chúng vững mạnh, xuất sắc góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện ổn định. Đến nay số vụ vi phạm hình sự giảm mạnh so với năm 2014, công tác nắm tình hình an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thường xuyên được duy trì nhằm chủ động trong việc xử lý tình huống không để xảy ra bị động, bất ngờ, hình thành điểm nóng gây bất an trong vùng đồng bào dân tộc. Sau 5 năm từ năm 2014 đến năm 2018, kể từ khi tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ II, thực hiện mục tiêu Quyết tâm thư đặt ra tại Đại hội, Cấp ủy, chính quyền huyện Chợ Mới cùng đồng bào các dân tộc đã cụ thể hóa bằng những việc làm, hành động thiết thực, cụ thể. Thông qua hoạt động tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực, chủ động trong xây dựng cuộc sống và có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá; lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện, nâng cao; quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững. Những kết quả quan trọng trên có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Chợ Mới

          Với ông Ngô Doanh Thuận người uy tín ở thôn Tổng Cổ xã Yên Đĩnh là một điển hình không chỉ trong phát triển kinh tế, mà ông còn là Phó bí thư chi bộ, một thôn đội trưởng tận tụy, gương mẫu. Thôn Tồng Cổ xã Yên Đĩnh có 76 hộ, 275 nhân khẩu, với 4 dân tộc anh em Tày, Nùng, Kinh, Dao cùng sinh sống. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp với các cây trồng chủ lực là lúa, ngô, chè trung du, cây rau màu các loại và trồng rừng. Nhìn chung mấy năm lại đây đời sống kinh tế của các hộ dân trong thôn đã bước đầu được cải thiện, hiện nay số hộ nghèo trong thôn đã giảm chỉ còn 08 hộ, chiếm 10,5%, kết cấu hạ tầng trong thôn được cấp trên quan tâm đầu tư, thôn đã có nhà văn hóa được xây kiên cố, đường giao thông chục chính trong thôn đã được bê tông hóa cơ bản, nên giao thông tương đối thuận lợi. Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của thôn, bản thân ông trong nhiều năm qua đã cố gắng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, góp phần xây dựng cuộc sống gia đình và bản làng ấm no, hạnh phúc, cụ thể: Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo: Bản thân ông cùng với gia đình luôn tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế xã hội, tăng gia sản xuất, tạo thu nhập cho gia đình, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước và các phong trào do địa phương phát động. Cùng với việc chăm lo cuộc sống gia đình, ông Thuận luôn vận động các hộ láng giềng tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, yên ấm hạnh phúc. Xây dựng tình đoàn kết làng xóm, láng giềng, quan tâm giúp đỡ các hộ gia đình trong thôn khi khó khăn, hoạn nạn. Nhìn lại năm 2014 toàn thôn có 19 hộ nghèo, nhiều hộ mới thoát nghèo kinh tế còn khó khăn, thì hiện nay số hộ nghèo đã giảm chỉ còn 08 hộ, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn nay đã vươn lên thoát nghèo, có kinh tế khá giả. Từ năm 2014 đến nay thôn đã thực hiện vận động đóng góp đối ứng được 37.000.000 đồng và 450 ngày công, vận động hiến gần 3 nghìn m2 đất để thực hiện đổ bê tông đoạn đường trục thôn dài gần 2 cây số; vận động đóng góp tiền vốn đối ứng xây dựng nhà văn hóa thôn được gần 14 triệu đồng. Các loại quỹ, khoản đóng góp khác theo quy định đều được thông báo công khai, vận động tới từng hộ dân và nhân dân trong thôn tình nguyện đóng góp đạt 100%.

 Đường nội thôn Tổng Cổ xã Yên Đĩnh

được làm mới từ việc hiến đất của người dân

          Không mấy ai còn xa lạ với cái tên Vi Văn Bách, ông là Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận tổ 2, 10 năm liên tục là Chủ tịch Hội Người cao tuổi, và luôn hoàn thành xuất xắc mọi nhiệm vụ, đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương, được Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam tặng bằng khen, tỉnh Hội tặng nhiều giấy khen, xây dựng được 01 câu lạc bộ Văn nghệ-Thể thao hoạt động có hiệu quả, tạo sân chợ bổ ích cho người cao tuổi. 14 năm liên tục là Bí thư Chi bộ, và cũng đã 12 năm ông được bà con tín nhiệm là người có uy tín. Bản thân ông đã vận động bà con trong tổ tham gia đóng góp tiền để xây dựng Nhà Văn hóa với số tiền 1.000.000đ/ hộ, riêng cá nhân ông đã đóng góp 9 triệu đồng, ngoài ra ông còn vận động con cháu trong gia đình ủng hộ thêm 13.500.000 để góp cho tổ hoàn thiện Nhà Văn hóa. Ông bộc bạch, tổ 2 là khu trung tâm, nên việc phát triển kinh tế cũng như tinh thần đoàn kết phải đi đầu, bản thân tôi cố gắng vận động bà con cùng nhau xóa đói giảm nghèo, chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

          Đến thôn Khuổi Đeng 2 xã Tân Sơn, một diện mạo mới đang đổi thay, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bà Triệu thị Sơn, người có uy tín trong thôn. Bà đã tập trung tuyên truyền vận động bà con thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với việc xây dựng chuồng nuôi gia súc, nhà tiêu hợp vệ sinh, 100 % hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Động viên bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hiện toàn thôn có hơn 100 ha Trúc và phát triển trồng bí xanh thơm. Bà Sơn tâm sự: Người Dao mình vốn đã khổ, giờ đây muốn cuộc sống ấm no hơn thì phải theo con đường của Bác Hồ, vận động nhau cùng tăng gia sản xuất, hiến đất, hiến công làm đường nông thôn mới.

          Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhân dân các dân tộc trong toàn huyện đã phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện hằng năm đề ra. Kinh tế nông lâm nghiệp tiếp tục phát triển và có bước chuyển dịch tích cực. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được bà con hưởng ứng tham gia: Một số sản phẩm được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VIỆTGAP như chè Shan tuyết ở thôn Bản Cháo, xã Yên Cư, hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với “Mỗi xã, phường một sản phẩm” như bún khô, mật ong rừng ở Nông Hạ; chè, trà mướp đắng rừng ở Như Cố... diện tích đất nông – lâm nghiệp chuyển đổi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao ngày càng tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác trồng rừng, được đẩy mạnh thực hiện; từ năm 2014 đến năm 2018 toàn huyện đã trồng mới được hơn 8.000ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 75%; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên được thực hiện theo quy định.

          Một trong những điển hình trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản xuất là HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố. Với 21 thành viên tham gia sản xuất gồm 1 tổ hợp tác Chè, với vùng nguyên liệu mẫu 1ha để xây dựng thương hiệu Chè sạch Như Cố; 1 tổ hợp tác trồng rau Bò khai với 1ha, với giá ổn định 35 nghìn đồng/kg; 01 câu lạc bộ nuôi ong lấy mật có 100 thùng ...hiện HTX có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP năm 2018 là Chè và Trà mướp đắng rừng. Là một HTX trẻ đang khởi nghiệp, phấn đấu vì cộng đồng, dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi nên HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố đã và đang trên đà phát triển. Anh Lường Đình Hùng- Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Như Cố cho biết: Bản thân người dân đã có lợi thế là kinh nghiệm sản xuất, giờ thành lập HTX là để kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa tăng thu nhập để góp phần xây dựng xã nhà ngày càng phát triển.

Mô hình trồng Mướp đắng rừng của HTX NNTN Như Cố huyện Chợ Mới

          Tân Khang là thôn đặc biệt khó khăn của xã Hòa Mục, thôn có 59 hộ với 240 nhân khẩu là dân tộc Dao, mặc dù còn rất khó khăn song bà con trong thôn đã có rất nhiều cố gắng, đời sống kinh tế được phát triển, thu nhập bình quân đầu người từng bước được nâng cao, phong trào xóa đói giảm nghèo được đặc biệt quan tâm từ đó thôn có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế, bình quân đầu người từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, thôn có 27ha rừng. Những nét văn hóa của người Dao luôn được duy trì và phát triển, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa luôn đạt trên 80% qua các năm, 7 năm liền đạt danh hiệu thôn văn hóa. Bà Trần Thị Tàn- Bí thư Chi bộ thôn Tân Khang xã Hòa Mục cho biết: Bà con còn vất vả lắm, nhờ tinh thần đoàn kết mà nhiều năm qua, cuộc sống của bà con thay đổi đáng kể, điện, đường, lớp học được đầu tư tại thôn, giờ bà con cũng phần nào yên tâm hơn trong lao động sản xuất để dần thoát nghèo

          Một trong những công tác quan trọng đó là việc xây dựng hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số luôn được huyện Chợ Mới quan tâm củng cố. Toàn huyện có 44 chi, đảng bộ trực thuộc với 228 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Ban chấp hành Đảng bộ huyện là 30/37 người, chiếm hơn 81%; Đại biểu HĐND huyện là 20/27 người chiếm hơn 74%. Đến nay,  đã có 02 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Như Cố, Bình Văn); Phấn đấu năm 2019 có thêm xã Yên Đĩnh đạt chuẩn. Nhìn chung, bộ mặt nông thôn huyện Chợ Mới ngày càng có nhiều thay đổi, phát triển kể từ khi triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.

          Hệ thống trường, lớp, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Đội ngũ cán bộ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS đạt 100%; tốt nghiệp THPT đạt hơn 97%. Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập Tiểu học và THCS đạt 16/16 xã, thị trấn. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được triển khai thực hiện có hiệu quả: Cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh từng bước được đầu tư từ cơ sở. Công tác y tế dự phòng được chú trọng, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả.

          Trong những năm qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động phong trào Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, không ngừng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân, tổ chức nhiều loại hình hoạt động như Hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ... vào những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, với nhiều chủ đề đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong nhân dân.  Đến nay, một số loại hình văn hóa tiêu biểu đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận như: Hát slượn sương của người Tày ở Yên Cư, lễ cấp sắc của dân tộc Dao Đỏ ở thôn Khe Lắc, xã Nông Thịnh.

          Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Ban chỉ đạo của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nội dung, tiêu chí của phong trào nên đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong huyện đồng tình ủng hộ. Công tác tôn giáo, tín ngưỡng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm. Thường xuyên tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào theo đạo nói riêng hiểu và thực hiện đúng quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. Đồng chí Nguyễn Thanh Thuyền, Phó bí thư thường trực huyện ủy cho biết: Công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác dân tộc trong thời gian qua của huyện Chợ Mới được cấp ủy huyện luôn xác định lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối đối với đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và toàn diện và coi đây cũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, kết quả đạt được trong thời gian qua,đời sống về vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện Chợ Mới được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, tinh thần đoàn kết và niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước được củng số vững mạnh, kinh tế tiếp tục phát triển, văn hóa, xã hội cơ nhiều khởi sắc, chính trị, quốc phòng an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn ổn định.

          Những năm qua, huyện Chợ Mới luôn coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Họ là những người nói và nghe bằng tiếng đồng bào mình, hiểu được lịch sử dân tộc, địa phương và có ý thức xây dựng cộng đồng, trách nhiệm với nơi mình sinh sống. Qua quá trình thực hiện từ các phong trào thi đua, yêu nước, có không ít cán bộ là người dân tộc thiểu số, nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều tấm gương xuất sắc tiêu biểu trong các thôn bản vùng đồng bào dân tộc như trưởng thôn, người có uy tín đang trở thành trung tâm của khối đoàn kết các dân tộc. Đời sống đồng bào các dân tộc huyện Chợ Mới hôm nay dẫu còn đó những khó khăn, thách thức nhưng với những gì mà các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện sẽ là động lực, là niềm tin để nhân dân các dân tộc trong huyện đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới./.

Tác giả:  Trang Thùy
Nguồn:  Trung tâm VHTT&TT huyện
Sign In